Lịch sử Đầu cơ trong ngày

Ban đầu, các cổ phiếu quan trọng nhất của Hoa Kỳ được giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Một thương nhân sẽ liên hệ với một nhà môi giới chứng khoán, người sẽ chuyển lệnh đặt mua/đặt bán tới một chuyên gia trong sàn chứng khoán NYSE. Mỗi chuyên gia làm thị trường cho chỉ một số ít cổ phiếu. Chuyên gia này sẽ khớp lệnh của người mua với lệnh của người bán của một nhà môi giới khác bằng việc ghi thông tin lên các phiếu, mà một khi được xử lý có hiệu quả sẽ thực hiện việc chuyển nhượng chứng khoán và chuyển tiếp thông tin lại cho cả hai nhà môi giới. Hoa hồng môi giới được chốt ở mức 1% của số tiền của giao dịch, nghĩa là mua 10.000 USD giá trị chứng khoán thì người mua phải chi 100 USD tiền hoa hồng và người bán cũng phải chi 100 USD tiền hoa hồng (có nghĩa là giao dịch là có lợi nhuận khi được thực hiện trên mức 1% thì mới thu được bất kỳ lợi ích thực tế nào).

Một trong những bước đầu tiên để làm cho giao dịch trong ngày của cổ phiếu có tiềm năng mang lại lợi nhuận là sự thay đổi trong sơ đồ hoa hồng. Năm 1975, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã làm cho tỷ lệ hoa hồng cố định là bất hợp pháp, dẫn đến việc các nhà môi giới cung cấp nhiều tỷ lệ hoa hồng giảm hơn.

Quyết toán tài chính

Các thời hạn quyết toán tài chính đã từng là dài hơn: Chẳng hạn, trước đầu những năm 1990 tại Sàn giao dịch chứng khoán London, cổ phiếu có thể được thanh toán sau tối đa 10 ngày làm việc kể từ khi nó được mua, cho phép các thương nhân mua (hoặc bán) cổ phiếu vào đầu của một thời hạn quyết toán chỉ bán (hoặc mua) chúng trước khi kết thúc thời hạn này với hy vọng giá sẽ tăng. Hoạt động này giống hệt với giao dịch trong ngày hiện đại, nhưng trong thời hạn quyết toán dài hơn. Nhưng ngày nay, để giảm rủi ro thị trường, thời gian quyết toán thường là 3 ngày làm việc (T+3). Thời hạn quyết toán giảm xuống làm giảm khả năng vỡ nợ, nhưng là không thể trước khi có sự ra đời của chuyển quyền sở hữu điện tử.

Mạng lưới truyền thông điện tử

Các hệ thống mà cổ phiếu được giao dịch cũng đã phát triển, nửa sau của thế kỷ 20 đã chứng kiến ​​sự ra đời của các mạng lưới truyền thông điện tử (ECN). Về bản chất chúng là mạng máy tính độc quyền lớn, nơi mà các nhà môi giới có thể niêm yết một số lượng chứng khoán nhất định để chào bán ở một mức giá nhất định (giá chào bán hoặc giá "Ask") hoặc chào mua một số lượng chứng khoán nhất định tại một mức giá nhất định (giá chào mua hay giá "Bid").

Các ECN và sàn giao dịch thường được các thương nhân biết đến bởi một định danh gồm ba hoặc bốn chữ cái để xác định ECN hoặc sàn giao dịch trên các màn hình chứng khoán Cấp II. ECN đầu tiên trong số này là Instinet (hoặc "inet"), được thành lập vào năm 1969 như là một cách để các tổ chức lớn bỏ qua NYSE ngày càng cồng kềnh và đắt tiền, cũng cho phép họ giao dịch trong những giờ khi các sàn giao dịch đóng cửa. Các ECN ban đầu như Instinet rất không thân thiện với nhà đầu tư nhỏ, bởi vì chúng có xu hướng cung cấp cho các tổ chức lớn giá tốt hơn giá có sẵn cho công chúng. Điều này dẫn đến một thị trường bị phân mảnh và đôi khi thiếu tính thanh khoản.

Bước quan trọng tiếp theo trong việc thúc đẩy giao dịch trong ngày là việc thành lập NASDAQ vào năm 1971 - một sàn giao dịch chứng khoán ảo mà trên đó các lệnh đã được truyền bằng điện tử. Dịch chuyển từ chứng chỉ cổ phiếu giấy và đăng ký cổ phiếu bằng văn bản sang cổ phiếu "phi vật chất hóa", giao dịch và đăng ký bằng máy tính đòi hỏi không chỉ thay đổi sâu rộng về lập pháp mà còn cả sự phát triển của công nghệ cần thiết: các hệ thống thời gian thực trực tuyến chứ không phải là hệ thống theo các khối; truyền thông điện tử chứ không phải là dịch vụ bưu chính, telex hay hàng lô các băng máy tính vật chất thực, và sự phát triển của các thuật toán mã hóa an toàn.

Những phát triển này báo trước sự xuất hiện của các "nhà tạo lập thị trường": bản sao tương đương của NASDAQ với các chuyên gia của NYSE. Một nhà tạo lập thị trường có một kho các cổ phiếu để mua và bán, và đồng thời cũng đặt lệnh mua và bán chính các cổ phiếu này. Rõ ràng, nhà tạo lập thị trường này sẽ đặt lệnh bán cổ phiếu ở một mức giá cao hơn giá mà nhà tạo lập thị trường đó đặt mua. Sự khác biệt này được gọi là "chênh lệch chào mua - chào bán" (bid - ask spread). Các nhà tạo lập thị trường không quan tâm về việc liệu giá cổ phiếu đi lên hay đi xuống, đơn giản họ chỉ cố gắng để liên tục mua vào với giá thấp hơn là giá bán ra. Một xu hướng liên tục theo một hướng nào đó sẽ dẫn đến thua lỗ cho các nhà tạo lập thị trường, nhưng chiến lược này về tổng thể là tích cực (nếu không họ sẽ rời khỏi công việc kinh doanh này). Ngày nay có khoảng 500 công ty tham gia vào thị trường chứng khoán như là các nhà tạo lập thị trường trên các ECN, mỗi công ty thường tạo lập thị trường cho khoảng từ 4 tới 40 cổ phiếu khác nhau. Nếu không có bất kỳ nghĩa vụ pháp lý, các nhà tạo lập thị trường được tự do cung cấp các mức chênh lệch chào mua - chào bán trên các ECN nhỏ hơn trên NASDAQ. Một nhà đầu tư nhỏ có thể phải trả một chênh lệch chào mua - chào bán 0,25 USD (ví dụ như ông ta có thể phải trả 10,50 USD để mua một cổ phiếu nhưng chỉ có thể nhận được 10,25 USD cho việc bán nó), trong khi một tổ chức có thể chỉ phải trả một chênh lệch chào mua - chào bán 0,05 USD (mua tại 10,40 USD và bán tại 10,35 USD).

Bong bóng công nghệ (1997-2000)

Sau đổ vỡ thị trường chứng khoán năm 1987, SEC thông qua "Quy định xử lý lệnh đặt" trong đó yêu cầu các nhà tạo lập thị trường công bố giá chào mua và giá chào bán tốt nhất của họ trên NASDAQ. Một cải cách khác được thực hiện trong giai đoạn này là "Hệ thống thực thi lệnh đặt nhỏ" ("SOES"), đòi hỏi các nhà tạo lập thị trường mua hoặc bán, ngay lập tức, các lệnh đặt nhỏ (lên đến 1.000 cổ phiếu) tại giá chào mua hoặc giá chào bán đã niêm yết của nhà tạo lập thị trường. Thiết kế của hệ thống đã dẫn đến sự lợi dụng cơ lợi giá (acbit) của một nhóm nhỏ các nhà đầu tư được gọi là những "kẻ cướp SOES", những người đã tạo ra rất nhiều đặt lệnh mua và bán nhỏ tới các nhà tạo lập thị trường bằng cách chặn trước các dịch chuyển giá trước khi chúng được phản ánh trong các giá chào mua/chào bán nội bộ được công bố. Hệ thống SOES cuối cùng đã dẫn tới giao dịch được thực hiện bằng phần mềm thay vì là các nhà tạo lập thị trường thông qua các ECN.

Vào cuối thập niên 1990, các ECN khi đó đã bắt đầu cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nhỏ. Các hãng môi giới mới chuyên phục vụ các thương nhân trực tuyến muốn giao dịch trên các ECN đã xuất hiện. Các ECN mới cũng xuất hiện, quan trọng nhất là Archipelago ("arca") và Island ("isld"). Archipelago cuối cùng đã trở thành một sàn giao dịch chứng khoán và năm 2005 đã được NYSE mua lại (tại thời điểm này, NYSE đã đề xuất sáp nhập Archipelago với chính nó, mặc dù một số phản kháng đã phát sinh từ các thành viên NYSE). Phí hoa hồng cũng giảm mạnh, ví dụ để giao dịch 1.000 cổ phiếu của Google, một thương nhân trực tuyến năm 2005 có thể đã mua 300.000 USD cổ phiếu với mức hoa hồng khoảng 10 USD, so với hoa hồng 3.000 USD các thương nhân phải trả năm 1974. Hơn nữa, vào năm 2005 các thương nhân đã có thể mua cổ phiếu gần như ngay lập tức và đã nhận nó ở một mức giá rẻ hơn.

Các ECN liên tục thay đổi với các ECN mới được hình thành, trong khi những ECN hiện có được mua hoặc sáp nhập. Tính đến cuối năm 2006, các ECN quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư cá nhân là:

  • Instinet (mua lại Island vào năm 2002),
  • Archipelago (mặc dù về mặt kỹ thuật bây giờ là một sàn giao dịch chứ không phải là một ECN),
  • Brass Utility ("brut")
  • Hệ thống điện tử SuperDot, hiện nay được NYSE sử dụng.
Thay đổi của trung bình giá cổ phiếu NASDAQ từ năm 1994 đến 2004

Sự kết hợp của các yếu tố đã làm cho giao dịch trong ngày đối với cổ phiếu và các phái sinh cổ phiếu (như các ETF) là có thể. Tỷ lệ hoa hồng thấp cho phép một cá nhân hay công ty nhỏ thực hiện một lượng lớn các giao dịch trong một ngày duy nhất. Tính thanh khoản và chênh lệch chào mua - chào bán nhỏ do các ECN cung cấp cho phép một cá nhân thực hiện giao dịch gần như tức thời và có được giá cả thuận lợi. Các cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn như Intel hay Microsoft thường có chênh lệch chào mua - chào bán chỉ 0,01 USD, nên giá cả chỉ cần di chuyển một vài xu để các thương nhân trang trải chi phí hoa hồng và có lợi nhuận.

Khả năng cho phép các cá nhân giao dịch trong ngày trùng với thị trường giá tăng mạnh của các cổ phiếu công nghệ từ năm 1997 đến đầu năm 2000, được gọi là bong bóng Dot-com. Từ năm 1997 đến năm 2000, chỉ số Nasdaq tăng từ 1.200 lên 5.000. Nhiều nhà đầu tư ngây thơ và ít kinh nghiệm thị trường đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ bằng cách mua các cổ phiếu này vào buổi sáng và bán chúng vào buổi chiều, với một tỉ lệ biên lên tới 400%.

Tháng 3 năm 2000, bong bóng này đã nổ, và một lượng lớn các thương nhân non kinh nghiệm này bắt đầu bị mất tiền cũng nhanh, hoặc còn nhanh hơn, so với khi họ kiếm được trong cơn điên cuồng mua trước đó. Chỉ số Nasdaq rơi từ 5.000 trở lại 1.200; nhiều người trong các thương nhân non kinh nghiệm đã phá sản, mặc dù rõ ràng là đã có thể có được một khối tài sản trong thời gian đó bằng việc bán khống hoặc mua bán theo độ biến động.